Phương án đầu tư BOT cho Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch thông qua đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) liên quan đến chủ trương nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng từ vay ODA sang đầu tư theo hình thức BOT.
Ông Thanh cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị góp ý đối với việc chuyển đổi đầu tư Dự án từ Bộ GTVT.
Lãnh đạo VATA cho biết, trong trường hợp phải chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT cần tiếp tục triển khai Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng như một dự án độc lập và tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực nhằm đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh.
“Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP nói chung, Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nói riêng cần được tuân thủ nghiêm túc để loại trừ nguy cơ lợi ích nhóm và góp phần tiết giảm chi phí đầu tư”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) xác nhận với baodautu.vn rằng hiện Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nghiên cứu đầu tư dự án cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị quan dài 43km bằng hình thức BOT.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có các văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị chuyển tuyến cao tốc này sang đầu tư bằng BOT và gộp chung vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn là doanh nghiệp dự án.
Ngoài mối lo ngại Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành vào năm 2020, đề xuất gộp 2 công trình đường cao tốc của UBND tỉnh Lạng Sơn được cho là để “giải cứu” phương án tài chính của Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn bị vỡ sau khi địa phương này không đồng ý đặt 2 trạm thu giá tại phần mở rộng Quốc lộ 1 trên địa bàn như đã thống nhất trong hợp đồng BOT.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là một dự án độc lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2016. Tại tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn cao tốc từ Tp. Lạng Sơn lên cửa khẩu Hữu Nghị dài 43 km, quy mô 4 làn xe cũng được dự kiến đầu tư theo phương án sử dụng vốn vay ODA với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng.
“Với tính chất độc lập của 2 dự án, yếu tố pháp lý của việc gộp 2 dự án và tiếp tục giao cho nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đầu tư cần phải được xem xét kỹ lưỡng”, một chuyên gia cho biết.
Về lý thuyết, việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từ vay ODA sang làm BOT có thể giảm áp lực nợ công, tuy nhiên hiệu quả đầu tư sau chuyển đổi là điều cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng.
Sự khác biệt lớn nhất của hai hình thức đầu tư tại 2 dự án liên quan tới độ chênh rất lớn giữa lãi suất giữa vốn vay vay thông thường (OCR) của ADB và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ (cơ sở để tính lãi suất vốn vay theo hình thức BOT).
Theo thông tin của ADB gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại thời điểm 30/8/2017, mức lãi suất OCR cố định 10 năm mà nhà tài trợ này chào vay là 2,78%. Trong khi đó, lãi suất tạm tính cho phần vốn vay thương mại trong phương án tài chính Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn theo Thông tư số 55/2016/TT – BTC đang được tạm xác định là 8,11%.
Theo cách tính giá trị hiện tại ròng (NPV), việc vay bằng OCR sẽ tiết kiệm ít nhất 30,1% NPV cho Chính phủ Việt Nam. Trong trường hợp tỷ giá biến đổi thì việc vay OCR vẫn thể hiện ưu thế tuyệt đối về chi phí tài chính so với phát hành trái phiếu.
Như vậy, so với sử dụng vốn vay ngân hàng thương mại Việt Nam để đầu tư theo hình thức BOT, vay vốn OCR của ADB sẽ khiến Dự án có hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có cơ hội giảm giá dịch vụ hoặc rút ngắn thời gian hoàn vốn, mang lại lợi ích trực tiếp cho người tham gia giao thông.
Trên thực tế với quy mô vốn đầu tư vào khoảng 20.000 tỷ đồng, nếu không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Dự án gộp này khó có thể hoàn vốn dưới 25 năm nếu như tiến hành không thu phí tuyến Quốc lộ 1 song hành kể cả khi cả khi chấp nhận mức giá dịch vụ đầu vào trên chính tuyến ngang với mức giá 8 phân đoạn PPP cao tốc Bắc Nam đang trình Quốc hội.
Được biết, tại Thông báo Kết luận số 424 về kết quả kiểm tra hiện trường Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã yêu cầu Nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn sớm hoàn thiện tính toán phương án tài chính tổng thể của việc gộp 2 dự án, báo cáo Bộ GTVT để cùng thống nhất với tỉnh Lạng Sơn (UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu quốc hội) trước ngày 31/11/2017, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2017.
“Phương án đầu tư phải đảm bảo hiệu quả về tài chính, hài hoà lợi ích các bên. Trường hợp vướng mắc, Bộ GTVT và Nhà đầu tư thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ để có giải pháp xử lý. Sẽ không tiếp tục triển khai dự án nếu phương án đầu tư không hiệu quả”, ông Công khẳng định.